Cách hạch toán phân bổ công cụ dụng cụ mới nhất 2020

Cách hạch toán phân bổ công cụ dụng cụ mới nhất 2020

Một doanh nghiệp khi bắt đầu tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh cần thì phải nắm rõ được những khái niệm về hạch toán công cụ dụng cụ. Vậy hạch toán công cụ dụng cụ là gì? Chúng có những điều kiện như thế nào? Cùng Luật ADZ tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé.

Định nghĩa công cụ dụng cụ

Công cụ dụng cụ là những tư liệu lao động tham gia vào một hoặc nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh. Công cụ dụng cụ cũng bị hao mòn về mặt giá trị giống như tài sản cố định nếu đã qua thời gian sử dụng. Tuy nhiên, do có giá trị thấp và thời gian sử dụng ngắn nên các công cụ dụng cụ chưa đủ điều kiện để làm tài sản cố định. Căn cứ theo thông tư 45/2013/TT-BTC về chế độ quản lý và trích khấu hao tài sản cố định, đối với những tư liệu lao động có giá trị nhỏ hơn 30 triệu đồng thì sẽ không đủ điều kiện để trở thành tài sản cố định. Những tư liệu lao động này sẽ được xếp vào loại Công cụ dụng cụ và có thời gian phân bổ tối đa không quá 24 tháng.

Điều kiện để ghi nhận công cụ dụng cụ

Căn cứ theo Điều 25 Thông tư 133/2016/TT-BTC, công cụ dụng cụ (CCDC) là những tư liệu lao động không có đủ các tiêu chuẩn về giá trị và thời gian sử dụng theo quy định như tài sản cố định. Bởi vậy, công cụ dụng cụ được quản lý và hạch toán như những nguyên vật liệu.

Cũng căn cứ theo quy định hiện hành, những tư liệu lao động dưới đây nếu không đủ tiêu chuẩn để được công nhận là tài sản cố định thì sẽ được coi là công cụ dụng cụ:

  • Các vá khuôn, đà giáo, các công cụ, dụng cụ gá lắp chuyên dùng cho sản xuất lắp ráp
  • Các loại bao bì bán kèm theo hàng hóa có tính tiền riêng, nhưng trong quá trình dự trữ và bảo quản hàng hóa vận chuyển trên đường (bao bì có tính giá trị hao mòn để trừ dần giá trị của bao bì)
  • Những dụng cụ, đồ nghề bằng sành, sứ, thủy tinh
  • Đồ dùng văn phòng, phương tiện quản lý
  • Quần áo, đồ bảo hộ chuyên dùng để làm việc

Công cụ dụng cụ được phân bổ thời gian như thế nào?

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, thời gian tính phân bổ công cụ dụng cụ được quy định như sau: Đối với các tài sản là công cụ, dụng cụ, đồ nghề bằng sành, sứ,…không đáp ứng đủ điều kiện được xác định là tài sản cố định theo quy định, thì chi phí mua các tài sản nêu trên được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng không quá 03 năm.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng thời gian tính phân bổ chi phí công cụ dụng cụ tối đa là không quá 03 năm. Các chi phí này sẽ không được đưa vào chi phí được giảm trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp nếu thời hạn quá 03 năm.

Các phương pháp phân bổ công cụ dụng cụ

Đối với các công cụ, dụng cụ có giá trị sản xuất nhỏ khi sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phải được ghi nhận toàn bộ một lần vào chi phí sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp công cụ, dụng cụ, đồ dùng cho thuê xuất dùng hoặc cho thuê có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều kỳ kế toán thì được phân bổ dần vào giá vốn hàng bán, hoặc chi phí sản xuất kinh doanh theo từng bộ phận sử dụng và ghi nhận vào 242 Chi phí trả trước (Theo Điều 25 Thông tư 133/2016/TT-BTC).

Tóm lại ta có thể hiểu như sau:

  • Ngày đưa công cụ dụng cụ vào sử dụng chính là ngày bắt đầu tính phân bổ công cụ dụng cụ
  • Đối với công cụ dụng cụ có giá trị nhỏ thì sẽ được hạch toán toàn bộ vào chi phí
  • Đối với công cụ dụng cụ có giá trị lớn hoặc liên quan đến nhiều kỳ kế toán thì được hạch toán vào TK 242 và hàng tháng thì phân bổ dần vào chi phí

Cách hạch toán phân bổ công cụ dụng cụ

1. Công cụ dụng cụ sử dụng trong ngày

Đối với công cụ dụng cụ có giá trị nhỏ và thời gian sử dụng ngắn thì sẽ được hạch toán toàn bộ vào chi phí:

– Căn cứ theo Thông tư 200/2014/TT-BTC

  • Nợ TK 623/ TK 627/ TK 642 (Giá trị công cụ dụng cụ)
  • Có TK 153 (Giá trị công cụ dụng cụ)

– Căn cứ theo Thông tư 133/2016/TT-BTC

  • Nợ TK 154/ TK 6421/ TK 6422 (Giá trị công cụ dụng cụ)
  • Có TK 153 (Giá trị công cụ dụng cụ)

Đối với công cụ dụng cụ có giá trị lớn hoặc thời gian sử dụng lâu dài sẽ được hạch toán như sau:

  • Nợ TK 242 (Căn cứ theo Thông tư 200 và 133)
  • Có TK 111, 112, 331

Cuối tháng sẽ tiến hành hạch toán phân bổ chi phí CCDC trong tháng đó cho từng bộ phận sử dụng:

-Căn cứ theo Thông tư 200/2014/TT-BTC

  • Nợ TK 623/ TK 627/ TK 641/ TK 642 (Giá trị phân bổ 1 kỳ)
  • Có TK 242 (Giá trị phân bổ 1 kỳ)

– Căn cứ theo Thông tư 133/2016/TT-BTC

  • Nợ TK 154/ TK 6421/ TK 6422 (Giá trị phân bổ 1 kỳ)
  • Có TK 242 (Giá trị phân bổ 1 kỳ)

2. Công cụ dụng cụ về nhập kho rồi xuất ra dùng

Đối với CCDC được nhập về kho rồi mới xuất ra dùng sẽ được hạch toán như sau:

  • Nợ TK 153 (Giá trị mua CCDC chưa thuế GTGT)
  • Nợ TK 1331 (Tiền thuế GTGT)
  • Có TK 111/ TK 112/ TK 331 (Tổng tiền hàng mua)

Cách tính phân bổ công cụ dụng cụ

1. Nếu công cụ dụng cụ có giá trị nhỏ và thời gian sử dụng ngắn thì hạch toán luôn vào chi phí của kỳ đó mà không cần phải tính phân bổ.

2. Nếu công cụ dụng cụ có giá trị lớn hoặc thời gian sử dụng nhiều kỳ thì sẽ được tính phân bổ như sau:

Mức phân bổ hàng năm = Giá trị công cụ dụng cụ/ Thời gian phân bổ

Thời gian phân bổ sẽ do doanh nghiệp tự quyết định nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật là không quá 03 năm.

Mức phân bổ hàng tháng = Mức phân bổ hàng năm/ 12 tháng

Cách tính phân bổ công cụ dụng cụ tháng đầu tiên có hai trường hợp sau:

– Tính phân bổ công cụ dụng cụ cho cả tháng phát sinh nếu sử dụng công cụ dụng cụ là ngày mùng 01 của tháng

Mức phân bổ tháng đầu tiên = Mức phân bổ năm/ 12 tháng

– Tính số ngày sử dụng công cụ dụng cụ trong tháng phát sinh nếu sử dụng công cụ dụng cụ từ ngày mùng 02 trở đi

Cách 1:

Số phân bổ ở tháng đầu tiên = Mức phân bổ hàng tháng : Tổng số ngày trong tháng đầu tiên x Số ngày sử dụng ở tháng đầu tiên

Cách 2:

Số phân bổ ở tháng đầu tiên = Giá trị công cụ dụng cụ : Tổng thời gian phân bổ x Tổng số ngày trong tháng đầu tiên x Số ngày sử dụng ở tháng đầu tiên

Trong đó:

Số ngày sử dụng ở tháng đầu tiên = Tổng số ngày trong tháng _ Ngày bắt đầu sử dụng + 1

Qua bài viết trên, Luật ADZ hy vọng các bạn sẽ hiểu rõ hơn về cách hạch toán phân bổ công cụ dụng cụ. Nếu có vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ với Luật ADZ để được sẵn sàng tư vấn và phục vụ quý khách. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!

mẫu bảng phân bổ nguyên liệu công cụ mới nhất
Mẫu bảng phân bổ nguyên liệu công cụ mới nhất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0902102903