Một doanh nghiệp khi được thành lập bắt buộc phải có con dấu. Bởi vậy, chủ doanh nghiệp cần phải nắm rõ được những quy định về con dấu công ty theo đúng quy định của pháp luật. Vậy con dấu công ty cần đáp ứng những yêu cầu gì? Chúng được quy định ra sao? Cùng Luật ADZ tìm hiểu về con dấu công ty ở bài viết dưới đây nhé.
Quy định chung về con dấu công ty
Căn cứ theo Điều 44 Luật doanh nghiệp 2014, con dấu công ty được pháp luật Việt Nam quy định như sau:
- Doanh nghiệp có thể toàn quyền quyết định về hình thức, nội dung cũng như là số lượng con dấu của doanh nghiệp mình sau khi đã thành lập doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải thể hiện được tên doanh nghiệp và mã số thuế của doanh nghiệp trên con dấu đó.
- Doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh về mẫu con dấu để có thể được sử dụng con dấu công ty. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải đăng tải công khai thông báo này trên Cổng thông tin Quốc gia.
- Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu công ty sẽ được thực hiện theo các quy định trong điều lệ của doanh nghiệp.
Quy định về số lượng, hình thức và nội dung của con dấu công ty
Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Luật doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, con dấu của công ty được pháp luật Việt Nam quy định đầy đủ gồm có: Thẩm quyền quyết định, Mẫu con dấu công ty, Nội dung con dấu công ty và Những điều nghiêm cấm trên con dấu công ty.
Thẩm quyền quyết định
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 96/2015/NĐ-CP, người có thẩm quyền được quyết định về số lượng, hình thức và nội dung của con dấu công ty được quy định như sau:
- Đối với Doanh nghiệp tư nhân là chủ Doanh nghiệp tư nhân
- Đối với Công ty hợp danh là hội đồng thành viên
- Đối với Công ty TNHH là hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty
- Đối với Công ty Cổ phần là hội đồng quản trị
Mẫu con dấu công ty
Mẫu con dấu công ty phải theo một hình thức cụ thể, ví dụ như hình tròn, hình vuông, hình đa giác hay một hình dạng khác. Mỗi doanh nghiệp có thể có nhiều con dấu, tuy nhiên mẫu con dấu phải được thống nhất với nhau về mặt nội dung, kích thước và hình thức.
Nội dung con dấu công ty
Căn cứ theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2014, nội dung con dấu công ty bắt buộc phải bao gồm tên doanh nghiệp và mã số thuế doanh nghiệp.
Ngoài hai thông tin trên, doanh nghiệp có thể được bổ sung thêm hình ảnh hoặc ngôn ngữ khác vào nội dung trên con dấu công ty, trừ một số trường hợp bị cấm được quy định tại Điều 14 Nghị định 96/2015/NĐ-CP.
Những điều nghiêm cấm trên con dấu công ty
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 96/2015/NĐ-CP, nội dung hoặc hình thức mẫu con dấu công ty không được sử dụng những hình ảnh, ký hiệu hay từ ngữ sau đây:
- Quốc kỳ, Đảng Kỳ, Quốc huy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Biểu tượng, hình ảnh, tên của Nhà nước, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
- Hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống đạo đức, văn hóa, lịch sử và thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan đến việc sử dụng từ ngữ, ký hiệu, hình ảnh trong nội dung hoặc làm hình thức mẫu con dấu.
Nếu có xảy ra tranh chấp giữa công ty và các cá nhân, doanh nghiệp khác có liên quan đến hình thức, ký hiệu, hình ảnh của mẫu con dấu công ty thì sẽ được giải quyết theo đúng quy định của trọng tài kinh tế hoặc Tòa án. Nếu vi phạm, công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc bồi thường thiệt hại và chấm dứt sử dụng mẫu con dấu có nội dung vi phạm theo quyết định thi hành của trọng tài kinh tế hoặc Tòa án.
Các quy định về việc thay đổi con dấu công ty
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, nếu muốn thay đổi con dấu công ty thì doanh nghiệp cần phải áp dụng đúng những quy định sau:
- Công ty có quyền tự quyết định về hình thức, nội dung cũng như số lượng của con dấu công ty. Một công ty có thể có nhiều con dấu, tuy nhiên chúng phải có hình thức và nội dung giống nhau.
- Để sử dụng, hoặc thay đổi hoặc hủy mẫu dấu công ty thì doanh nghiệp phải gửi một bản thông báo về việc liên quan đến con dấu tương ứng đến Cơ quan Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Việc này nhằm mục đích đăng tải thông báo về con dấu của doanh nghiệp trên Cổng thông tin Quốc gia. Nội dung bản thông báo như sau:
- Tên doanh nghiệp, mã số thuế doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính doanh nghiệp
- Số lượng con dấu, mẫu con dấu và thời điểm con dấu công ty có hiệu lực
- Sau khi nhận được thông báo về mẫu con dấu công ty, cơ quan Đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra đối chiếu và trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp. Cuối cùng sẽ tiến hành đăng tải mẫu con dấu mà doanh nghiệp đã đăng ký trên Cổng thông tin Quốc gia.
- Cơ quan Đăng ký kinh doanh không có trách nhiệm về tính hợp pháp và phù hợp với thuần phong, mỹ tục, văn hóa, đạo đức của mẫu con dấu công ty, cũng như những kiện cáo, tranh chấp phát sinh trong quá trình quản lý và sử dụng của con dấu công ty.
Qua bài viết trên, Luật ADZ hy vọng các bạn sẽ hiểu rõ hơn về con dấu công ty cũng như là những quy định của pháp luật trong việc sử dụng con dấu này. Nếu có vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ với Luật ADZ để được sẵn sàng tư vấn và phục vụ quý khách. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!