Một doanh nghiệp khi bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh cần phải nắm rõ tất cả các quy định của pháp luật, trong đó có cả quy định về người đại diện của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời và đã có những thay đổi cơ bản về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Để tìm hiểu rõ hơn các quy định về người đại diện doanh nghiệp, các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây cùng Luật ADZ nhé.
Thế nào là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp?
Luật Doanh nghiệp 2014 đã có những thay đổi căn bản về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và có khá nhiều điểm mới so với Luật doanh nghiệp trước đây. Cũng theo quy định trong Bộ luật dân dự 2015 về chế định đại diện, người đại diện doanh nghiệp gồm có: Người đại diện theo pháp luật và Người đại diện theo ủy quyền.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp. Cá nhân đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Tòa án, Trọng tài, cùng các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Quy định về số lượng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp 2014 đã có những thay đổi tiến bộ hơn so với Luật Doanh nghiệp 2005 về quy định tăng số người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong một số trường hợp. Khi thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần phải thống nhất và quy định rõ số lượng người đại diện theo pháp luật trong các điều lệ để làm cơ sở thực thi.
Số người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần, Công ty TNHH một thành viên và Công ty TNHH từ hai thành viên trở lên
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014, đối với các Công ty Cổ phần, Công ty TNHH một thành viên và Công ty TNHH từ hai thành viên trở lên có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong điều lệ doanh nghiệp đã quy định cụ thể về số lượng, chức danh quản lý, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Số người đại diện theo pháp luật của Công ty hợp danh
Căn cứ theo Điểm D Khoản 4 Điều 179 Luật Doanh nghiệp 2014, số người đại diện theo pháp luật của Công ty hợp danh có thể là một thành viên khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Thành viên hợp danh được Hội đồng thành viên bầu làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, hoặc giữ một trong các chức vụ này
- Điều lệ công ty quy định rằng nếu giữ một trong các chức vụ trên có quyền được đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Căn cứ theo Điểm D Khoản 4 Điều 179 Luật Doanh nghiệp 2014, số người đại diện theo pháp luật của Công ty hợp danh có thể là hai thành viên khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Thành viên hợp danh được Hội đồng thành viên bầu làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, không kiêm chức vụ Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, hai chức vụ này sẽ do thành viên hợp danh khác đảm nhiệm
- Điều lệ công ty quy định rằng cả hai chức vụ này đều có thẩm quyền đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Số người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ và chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy, doanh nghiệp tư nhân chỉ có một người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đó chính là chủ doanh nghiệp tư nhân đó.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cần có trách nhiệm gì?
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bắt buộc có những trách nhiệm sau đây:
- Thực hiện trung thực, cẩn trọng các quyền và nghĩa vụ được giao, nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp
- Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng tin mật, cơ hội, bí quyết kinh doanh của doanh nghiệp; không lạm dụng chức vụ, địa vị, tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hay phục vụ lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp khác
- Đối với việc người đại diện và người có liên quan đến doanh nghiệp mà làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác, thì cần phải thông báo kịp thời, đầy đủ và chính xác cho doanh nghiệp còn lại
Nếu vi phạm các quy định trên, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu toàn bộ trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp.
Quy định về việc cư trú của người đại diện theo pháp luật
Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải đảm bảo luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.
Đối với trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú tại Việt Nam. Nếu người đại diện duy nhất xuất cảnh khỏi Việt Nam thì phải làm giấy ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Trong trường hợp hết thời hạn ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở về Việt Nam và không có ủy quyền khác thì người được ủy quyền sẽ thực hiện các quy định sau đây:
- Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong phạm vi đã được ủy quyền, cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc; hoặc cho đến khi chủ sở hữu doanh nghiệp, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị quyết định cử người khác làm đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
- Trong trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày; hoặc mất tích, bị chết, tạm giam, bị kết án tù, bị mất năng lực hành vi dân sự mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì chủ sở hữu doanh nghiệp, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Qua bài viết trên, Luật ADZ hy vọng các bạn sẽ hiểu rõ hơn về các quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu có vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ với Luật ADZ để được sẵn sàng tư vấn và phục vụ quý khách. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!