Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp khá phổ biến hiện nay. Khi lựa chọn thành lập doanh nghiệp tư nhân, các nhà đầu tư cần phải nắm được các đặc tính cơ bản của loại hình này. Vậy doanh nghiệp tư nhân là gì? Đặc điểm và quy trình thành lập của doanh nghiệp tư nhân ra sao? Cùng Luật ADZ tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé.
Doanh nghiệp tư nhân là gì?
Doanh nghiệp tư nhân là một tổ chức kinh tế có hoạt động sản xuất kinh doanh và được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ và chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả các hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân là một công ty trách nhiệm vô hạn và không có tư cách pháp nhân. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu mọi trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bằng tất cả tài sản. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là thành viên của công ty hợp danh hay chủ hộ kinh doanh.
Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân
Để thành lập doanh nghiệp tư nhân cần đảm bảo các điều kiện sau:
- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân
- Tên doanh nghiệp phải được đặt rõ ràng, không trùng lặp với tên của doanh nghiệp khác
- Trụ sở có địa chỉ rõ ràng và hợp pháp
- Ngành nghề kinh doanh hợp pháp và đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật hiện hành
- Đảm bảo yêu cầu về vốn pháp định đối với các ngành nghề yêu cầu về vốn pháp định
- Chủ doanh nghiệp phải đáp ứng đủ tất cả các quy định của pháp luật trong điều 13 Luật doanh nghiệp 2014
Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân được chia thành 6 loại đặc điểm sau đây:
1. Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ sở hữu
Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân sở hữu sẽ không xuất hiện sự góp vốn giống như các doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu khác. Thay vào đó, nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân này chủ yếu là từ tài sản của chủ doanh nghiệp.
2. Quan hệ sở hữu vốn trong doanh nghiệp
Nguồn vốn ban đầu của doanh nghiệp tư nhân bắt nguồn từ chính tài sản cá nhân của chủ doanh nghiệp. Trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ doanh nghiệp có thể toàn quyền tăng hoặc giảm số vốn đầu tư. Chủ doanh nghiệp chỉ phải khai báo với các cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp giảm số vốn dưới mức đăng ký. Bởi vậy, giữa phần vốn và tài sản đưa vào kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân là không có giới hạn và phần còn lại cũng thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc không có sự tách bạch giữa tài sản của doanh nghiệp tư nhân và tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân đó.
3. Quan hệ về quyền quản lý doanh nghiệp
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp chỉ có một chủ sở hữu duy nhất. Bởi vậy, chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định trong tổ chức cũng như quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân cũng chính là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó.
4. Về phân phối lợi nhuận
Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu duy nhất và toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ thuộc về chủ doanh nghiệp. Bởi vậy, với mô hình doanh nghiệp tư nhân sẽ không tồn tại vấn đề phân chia lợi nhuận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chủ doanh nghiệp phải có nghĩa vụ chịu mọi rủi ro trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
5. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân
Một pháp nhân bắt buộc phải có tài sản riêng, tức là phải có sự tách bạch giữa tài sản của pháp nhân và người tạo ra pháp nhân đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân không có sự tách bạch giữa tài sản của doanh nghiệp tư nhân và tài sản của chủ doanh nghiệp đó. Bởi vậy, doanh nghiệp tư nhân được coi là không có tư cách pháp nhân.
6. Doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ
Do không có sự độc lập về tài sản nên chủ doanh nghiệp phải có nghĩa vụ chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi rủi ro của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong phạm vi vốn đầu tư đã đăng ký, mà còn phải chịu bằng toàn bộ tài sản của chủ doanh nghiệp nếu số vốn đã đăng ký không đủ.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân
Để thành lập doanh nghiệp tư nhân, các nhà đầu tư cần nắm rõ về giai đoạn chuẩn bị hồ sơ cũng như các bước thành lập doanh nghiệp theo trình tự quy định. Cùng tham khảo thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân ở các mục dưới đây:
Những lưu ý về chuẩn bị thành lập doanh nghiệp
1. Đặt tên cho doanh nghiệp tư nhân
Nếu là tên tiếng Việt cần đáp ứng hai yếu tố sau:
- Loại hình doanh nghiệp được viết theo hai cách là “Doanh nghiệp tư nhân” hoặc “DNTN”
- Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu
Đối với tên doanh nghiệp được dịch từ tiếng nước ngoài, tên doanh nghiệp có thể được giữ nguyên hoặc dịch sang tiếng nước ngoài với ý nghĩa tương ứng.
2. Về quy định lựa chọn trụ sở
Trụ sở chính của doanh nghiệp tư nhân là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm địa chỉ chi tiết, chính xác, số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP và Luật nhà ở 2014, doanh nghiệp không được đặt trụ sở trong các trường hợp sau:
- Căn hộ chung cư, nhà tập thể chỉ có chức năng nhà ở
- Nhà chung cư có chức năng nhà ở trong các tòa nhà kết hợp cả trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở
- Đối với các ngành nghề sản xuất, chế biến, nuôi trồng,…doanh nghiệp không được đặt trụ sở tại các khu dân cư hoặc trung tâm thành phố
3. Vốn điều lệ
Doanh nghiệp tư nhân không có vốn điều lệ. Vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân chính là vốn đăng ký kinh doanh do chính chủ doanh nghiệp tự đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư và nêu rõ số vốn bằng đồng Việt Nam.
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân
Thành phần hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân bao gồm như sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân
- Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ doanh nghiệp như chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu (còn hiệu lực)
- Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ nếu người đó không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, chủ doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hoặc có thể đăng ký trực tiếp qua trang điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Nếu hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sau ba ngày, tính từ ngày nộp hồ sơ.
Qua bài viết trên, Luật ADZ hy vọng các bạn sẽ hiểu rõ hơn về các đặc điểm cũng như quy trình thành lập của doanh nghiệp tư nhân. Nếu có vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ với Luật ADZ để được sẵn sàng tư vấn và phục vụ quý khách. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!