Khi bắt đầu bước chân vào con đường kinh doanh, ngoài việc phải tìm hiểu về thị trường, nhu cầu, nguồn lực,…cho những dịch vụ mà mình cung cấp, các doanh nghiệp còn phải nắm được rất rõ những quy định của pháp luật về các thủ tục thành lập doanh nghiệp, đặc biệt là về việc đăng ký giấy phép kinh doanh. Vậy các doanh nghiệp cần biết những điều gì về việc đăng ký giấy phép kinh doanh, hãy cùng Luật ADZ tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Định nghĩa về Giấy phép kinh doanh
Giấy phép kinh doanh là giấy cho phép các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh và đáp ứng đủ các điều kiện được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Mục đích của việc cấp giấy phép kinh doanh là Nhà nước sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý kinh doanh của doanh nghiệp cũng như ràng buộc các nghĩa vụ về thuế.
Về mặt pháp lý, để có đủ điều kiện hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp phải được cấp Giấy phép kinh doanh từ Sở KH & ĐT.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, đối với các doanh nghiệp trong nước sẽ không bị hạn chế về ngành, nghề được phép đăng ký kinh doanh. Trừ trường hợp doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề được quy định khác.
Thủ tục đăng ký Giấy phép kinh doanh
Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bắt buộc phải làm đăng ký Giấy phép kinh doanh. Chủ doanh nghiệp phải soạn thảo hồ sơ theo quy định của pháp luật và nộp lên xin đăng ký Giấy phép kinh doanh tại Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố nơi công ty đặt trụ sở chính. Nếu hồ sơ doanh nghiệp hợp lệ, sau 3-5 ngày sở sẽ ra giấy phép đăng ký kinh doanh.
Hồ sơ đăng ký Giấy phép kinh doanh gồm có:
- CMND hoặc hộ chiếu photo công chứng của các thành viên hoặc cổ đông (nếu có)
- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh do đại diện pháp luật công ty ký theo mẫu quy định
- Người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật ký từng trang
Hoàn tất thủ tục sau khi có Giấy phép kinh doanh:
- Tiến hành khắc dấu và nộp thông báo sử dụng mẫu dấu lên Sở KH & ĐT
- Tiến hành khai thuế ban đầu ở chi cục thuế quận, huyện nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp
- Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp
- Kích hoạt nộp thuế điện tử và nộp thuế môn bài cho cả năm
- Tiến hành in hóa đơn ở chi cục thuế quận, huyện sau khi được chấp thuận
Phân biệt Giấy phép kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Một số cá nhân hoặc doanh nghiệp vẫn có thể bị nhầm lẫn bởi ý nghĩa của Giấy phép kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, về bản chất thì hai loại giấy này là khác nhau.
Giấy phép kinh doanh
Định nghĩa: Giấy phép kinh doanh là loại giấy được cấp cho các doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề đáp ứng đủ điểu kiện của pháp luật hiện hành. Thông thường loại giấy này được cấp sau Giấy đăng ký kinh doanh.
Ý nghĩa pháp lý: Là sự cho phép của Cơ quan quản lý Nhà nước.
Điều kiện được cấp giấy phép: Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc nhiều yêu cầu khác. Quan trọng mỗi ngành, nghề kinh doanh phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Các điều kiện này có thể là về vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề,…
Thủ tục: Thủ tục của Giấy phép kinh doanh gồm:
- Đơn xin phép
- Hồ sơ hợp lệ
- Thẩm định và kiểm tra các điều kiện do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện
Thời hạn tồn tại: Có thời hạn do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép ghi vào giấy phép. Thời hạn từ vài tháng đến vài năm
Quyền của Nhà nước: Doanh nghiệp có đủ hồ sơ và điều kiện nhưng vẫn có thể bị cơ quan Nhà nước từ chối nhằm bảo vệ lợi ích cộng đồng về hạn chế số lượng.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Định nghĩa: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế của doanh nghiệp.
Ý nghĩa pháp lý: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là giấy chứng nhận của cơ quan hành chính công Nhà nước và là nghĩa vụ của Nhà nước để bảo hộ quyền sở hữu tên doanh nghiệp.
Điều kiện được cấp giấy phép: Điều kiện là các ngành, nghề đăng ký kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật, tên của doanh nghiệp được đặt theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014. Hồ sơ đăng ký kinh doanh phải hợp lệ và doanh nghiệp nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Thủ tục: Thủ tục của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gồm:
- Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Hồ sơ đăng ký hợp lệ
Thời hạn tồn tại: Thời hạn thường do nhà đầu tư quyết định và không ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Quyền của Nhà nước: Nếu doanh nghiệp có đủ hồ sơ hợp lệ, Nhà nước phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Kết luận
Qua bài viết trên, Luật ADZ hy vọng các bạn sẽ hiểu rõ hơn về Giấy phép kinh doanh cũng như cách đăng ký Giấy phép kinh doanh. Nếu có vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ với Luật ADZ để được sẵn sàng tư vấn và phục vụ quý khách. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!