Hợp đồng BCC hay còn gọi là hợp đồng hợp tác kinh doanh, là hợp đồng được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh để phân chia lợi nhuận mà không thành lập tổ chức kinh tế. Vậy hợp đồng BCC là gì? Các quy định của pháp luật về loại hình hợp đồng BCC này ra sao? Hãy cùng Luật ADZ tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé.
Định nghĩa về Hợp đồng BCC
Hợp đồng hợp tác kinh doanh hay còn gọi là hợp đồng BCC, là hợp đồng được ký kết giữa các nhà đầu tư, nhằm hợp tác kinh doanh phân chia sản phẩm, phân chia lợi nhuận mà không thành lập tổ chức kinh tế (Theo Khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư 2014).
Thông qua định nghĩa trên, chúng ta có thể hiểu bản chất của Hợp đồng BCC (Business Cooperation Contract) – Hợp đồng hợp tác kinh doanh là giữa hai hay nhiều chủ thể có chung một dự án kinh doanh và họ muốn liên kết cùng nhau để thực hiện. Khi các chủ thể không muốn thành lập tổ chức kinh tế vì những lý do phức tạp, họ sẽ lựa chọn thành lập hợp đồng hợp tác kinh doanh dạng BCC để thực hiện việc liên kết đầu tư giữa hai bên.
Chủ thể hợp pháp của Hợp đồng BCC
Chủ thể hợp pháp của hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC bao gồm tất cả các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.
- Nhà đầu tư là các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
- Nhà đầu tư nước ngoài là các cá nhân có quốc tịch ngoại quốc, hay các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật của nước ngoài và có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
- Nhà đầu tư trong nước là các cá nhân có quốc tịch Việt Nam, hay tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông hoặc thành viên
Nói tóm lại, mọi cá nhân hay tổ chức là nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước, thuộc quyền sở hữu tư nhân hay Nhà nước thì đều có thể trở thành chủ thể của hình thức đầu tư theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC.
>>> Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài |
Hợp đồng BCC có hình thức như thế nào?
Hợp đồng BCC phải bằng văn bản trong trường hợp dự án đầu tư bằng Hợp đồng BCC phải làm thủ tục thẩm tra đầu tư hoặc đăng ký đầu tư. Còn nếu Hợp đồng BCC không phải làm các thủ tục đăng ký đầu tư hay thẩm tra đầu tư thì có thể được thể hiện dưới hình thức lời nói hoặc hành vi cụ thể khác.
Hợp đồng BCC mang những nội dung gì?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 29 Luật đầu tư 2014, Hợp đồng BCC chủ yếu bao gồm những nội dung sau:
- Ghi rõ tên, địa chỉ và người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia Hợp đồng BCC; địa chỉ nơi thực hiện dự án hoặc nơi thực hiện giao dịch
- Phạm vi và mục tiêu hoạt động đầu tư kinh doanh
- Ghi rõ sự đóng góp của các bên tham gia Hợp đồng BCC và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên
- Quy định rõ ràng về tiến độ và thời hạn thực hiện Hợp đồng BCC
- Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng BCC
- Quy định về việc chuyển nhượng, sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng BCC
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và phương thức giải quyết tranh chấp
Khoản 2 và Khoản 3 Điều 29 Luật đầu tư 2014 cũng quy định rõ:
- Các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp, khi đang trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC
- Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác phù hợp với các quy định của pháp luật
Hợp đồng BCC có vai trò gì?
Căn cứ theo Luật đầu tư 2014, có thể hiểu vai trò của Hợp đồng BCC như sau:
- Khi tham gia đầu tư Hợp đồng BCC, các bên không phải thành lập pháp nhân mới và tiến hành các thủ tục thành lập doanh nghiệp. Bởi vậy họ sẽ tiến hành các hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng, đặc biệt là đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
- Hợp đồng BCC có thể giúp các nhà đầu tư tận dụng hầu hết các lợi thế trong kinh doanh, cũng như khắc phục được điểm yếu của mình
- Tham gia đầu tư Hợp đồng BCC, các bên có thể hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh để cùng đạt được những hiệu quả và lợi ích mà mình mong muốn
Ưu điểm và nhược điểm của hợp đồng BCC
1. Ưu điểm
Hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC có những ưu điểm sau đây:
- Hợp đồng BCC không yêu cầu pháp nhân. Thông qua hợp đồng BCC, các nhà đầu tư có thể thỏa thuận cùng nhau về quyền và nghĩa vụ với tư cách là các nhà đầu tư độc lập và không bị ràng buộc bởi một pháp nhân chung.
- Các nhà đầu tư sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí cho việc thành lập và vận hành một pháp nhân mới.
- Đối với các nhà đầu tư nước ngoài thì đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC chính là một sự lựa chọn tối ưu. Lý do bởi họ sẽ có được những thông tin hữu ích về thị trường thông qua những đối tác trong nước khi đầu tư vào thị trường mới.
2. Nhược điểm
Việc thực hiện những giao dịch nhằm phục vụ cho Hợp đồng BCC sẽ gây thiếu niềm tin cho bên thứ ba khi không tồn tại đại diện – Một công ty liên doanh giữa các nhà đầu tư. Lý do bởi pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm giữa các đối tác khi giao kết hợp đồng với bên thứ ba.
Các nhà đầu tư cũng phải thỏa thuận việc lựa chọn con dấu của một trong các bên nhằm phục vụ cho việc ký kết hợp đồng với bên thứ ba. Nếu có tranh chấp xảy ra trong việc sử dụng con dấu để ký kết hợp đồng thì dự án đầu tư này sẽ phải dừng lại và chờ đợi giải quyết.
Qua bài viết trên, Luật ADZ hy vọng các bạn sẽ hiểu rõ hơn về Hợp đồng BCC, hay còn gọi là Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nếu có vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ với Luật ADZ để được sẵn sàng tư vấn và phục vụ quý khách. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!